Bugi Ô Tô Là Gì? Cách Nhận Biết Bugi Ô Tô Bị Hỏng
Bất kỳ chiếc xe ô tô nào muốn hoạt động đều phải có bộ phận bugi. Bugi ô tô bị hỏng sẽ tác động rất lớn đến khả năng vận hành động cơ, mức tiêu hao nhiên liệu…Vậy bugi xe ô tô là gì? Cấu tạo bugi ô tô như thế nào? Cách nhận biết bugi ô tô bị hỏng là gì? Các loại bugi ô tô phổ biến hiện nay? Cùng tìm hiểu trong phần dưới đây để có được câu trả lời cho những thắc mắc này về bugi ô tô.
Các chủ xe cần hiểu về bugi ô tô đặc biệt là các dấu hiệu hư hỏng
1. Bugi ô tô là gì?
Bugi là bộ phận thuộc hệ thống đánh lửa cuối cùng. Đây là bộ phận thực hiện nhiệm vụ phát ra tia lửa điện giữa cực nối mát và điện cực trung tâm. Bugi ô tô giúp đốt cháy hỗn hợp không khí hòa với nhiên liệu được nạp vào trong buồng đốt. Bugi cần phải có độ bền bỉ rất cao, chịu được áp suất và nhiệt độ cao. Bởi môi trường hoạt động của nó ở nhiệt độ 2.500°C và áp suất 50kg/cm2. Bugi đáp ứng được yêu cầu môi trường hoạt động thì mới phát ra tia lửa mạnh, giúp duy trì hoạt động của động cơ ổn định.
Thông thường một chiếc bugi có thể phát ra từ 27.5 – 110 triệu lần trong suốt tuổi thọ hoạt động của nó. Mỗi lần hoạt động, bugi ô tô sẽ bị mất đi một vài phân tử và lâu dần khoảng cách các điện cực xa nhau hơn. Điều này dẫn đến hỗn hợp nhiên liệu và không khí cháy không còn hiệu quả nữa. Lúc này cần thay thế bugi ô tô để động cơ hoạt động hiệu quả hơn.
Bugi ô tô phát ra tia lửa điện giữa cực nối mát và điện cực trung tâm
2. Cấu tạo của bugi ô tô
Bugi ô tô được chế tạo từ 2 bộ phận sau:
- Điện cực trung tâm và điện cực nối mát
Điện cực trung được thiết kế với đầu nhô ra – đây là nơi tạo ra tia lửa điện. Thông thường điện cực trung tâm có lõi bằng đồng, phần đầu điện cực làm bằng hợp kim cao cấp như: Platinum, Nickel hay Iridium. Bugi thiết kế dạng điện cực nhọn và vuông sẽ thuận tiện cho việc phóng điện hơn. Sau thời gian sử dụng, điện cực sẽ bị ăn mòn và dần dần biến thành dạng tròn gây khó khăn trong việc đánh lửa. Chính vì thế, việc thay bugi định kỳ thường xuyên là điều cần thiết. Khi thiết kế khoảng cách giữa hai điện cực càng nhỏ thì khả năng tản nhiệt càng nhanh. Và ngược lại khoảng cách giữa hai điện cực càng lớn thì hiệu quả tản nhiệt cũng kém đi.
- Vỏ cách điện
Ngoài điện cực là bộ phận quan trọng thì lớp vỏ cách điện cũng rất thiết yếu. Đây là bộ phận giúp đảm bảo điện không rò rỉ ra bên ngoài. Vỏ cách điện được chế tạo từ oxit nhôm bền bỉ, chịu nhiệt tốt. Phần tiếp xúc với chụp bugi, vỏ cách điện được chế tạo nhiều nếp nhăn dạng hình lượn sóng. Thiết kế này nhằm giúp ngăn ngừa hiện tượng phóng điện cao áp, tăng cường hiệu quả đánh lửa trong buồng đốt.
Minh họa cấu tạo của bugi ô tô
3. Các loại bugi ô tô phổ biến hiện nay
Dựa vào khả năng tản nhiệt người ta phân loại bugi thành bugi nguội và bugi nóng.
-
Bugi nguội dùng cho động cơ có tỉ số nén cao. Điển hình là những xe thường phải vận hành ở các cung đường dài, trọng tải lớn, địa hình gồ ghề…
-
Bugi nóng phù hợp với động cơ có tỉ số nén thấp hay còn gọi là động cơ phân khối nhỏ. Bugi này thường dành cho những chiếc xe di chuyển đường ngắn, tốc độ thấp, trọng tải nhẹ…
-
Hai loại bugi này có hình dạng rất giống nhau, chỉ có thể phân biệt dựa vào chỉ số nhiệt. Bugi có chỉ số nhiệt nhỏ là bugi nóng và ngược lại.
Bugi nóng và bugi nguội chỉ có thể phân biệt dựa trên số nhiệt
Nếu dựa vào chất liệu làm điện cực, bugi được phân loại gồm:
- Bugi đồng hay Nickel
Điện cực trung tâm được chế tạo từ Nickel thường có tuổi thọ từ 16.000 – 32.000 km. Ưu điểm, loại bugi này phù hợp với các dòng ô tô cũ, hoạt động tốt ở điều kiện tăng áp, giá thành thấp. Tuy nhiên, nhược điểm là tuổi thọ ngắn, cần thêm điện áp.
- Bugi Iridium
Iridium là một loại kim loại quý hiếm, có độ cứng gấp nhiều lần so với bạch kim. Khả năng chịu nhiệt cao và đánh lửa rất tốt do đầu đánh lửa chế tạo nhỏ. Loại bugi này hoạt động khoảng từ 150.000 – 240.000 km. Ưu điểm là tuổi thọ cao nhất, hiệu quả đốt cháy cao nhưng nhược điểm là giá thành cao, động cơ đã dùng bugi Iridium thì không thể dùng bugi khác.
- Bugi bạch kim hay Platinum
Bạch kim hay Platinum có đặc tính trơ, khó ăn mòn ở nhiệt độ cao. Tuổi thọ trung bình của bugi bạch kim thường từ 80.000 – 140.000 km. Ưu điểm nổi bật nhất của bugi này là tuổi thọ cao, ít bị tích tụ carbon. Nhưng nhược điểm là giá thành cao.
Bugi bạch kim Platinum có giá thành cao
4. Những cách nhận biết bugi ô tô bị hỏng
Bugi sử dụng một thời gian sẽ cần được thay thế và hư hỏng. Vậy dấu hiệu bugi ô tô bị hỏng là gì?
-
Máy không nổ hay mất lửa: Tình trạng này xảy ra khi bugi không thể đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu và không khí. Vấn đề có thể do bugi bị mòn, dây phin bị nứt hay do nhiễm bẩn.
-
Tiêu hao nhiên liệu: Nếu động cơ tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn bình thường thì có thể nguyên nhân đến từ bugi. Do ECM không kiểm soát được cường độ tia lửa hay hàm lượng oxy. Vì thế, cần bổ sung thêm nhiên liệu để bù cho quá trình đốt cháy kém đó.
-
Khó khởi động xe: Bộ phận ECM sẽ cung cấp nhiên liệu để loại bỏ hơi nước đọng lại trong xilanh. Điều này gây ra việc khó bắt lửa khi bugi bị mòn điện cực. Dần đến động cơ khó khởi động.
-
Công suất kém: Bugi sẽ là bộ phận đốt cháy nhiên liệu tạo ra năng lượng. Nhưng khi bugi bị lỗi hay cuộn dây đánh lửa yếu sẽ làm cho năng lượng tạo ra không đủ mạnh. Dẫn đến công suất hoạt động của động cơ kém, giảm xuống rõ rệt.
-
Động cơ phản hồi chậm: Điều này có thể hiểu là động cơ không phản ứng ngay lập tức với tín hiệu điều khiển. Hơn nữa, khả năng vận hành của động cơ có thể tăng lên đột ngột, tình trạng nổ máy không ổn định. Ngoài ra, động cơ còn phản ứng chậm trong việc phân phối năng lượng thậm chí có tình trạng xe giật bất ngờ. Những vấn đề này có thể do bugi gây ra.
Tình trạng bugi ô tô thể hiện qua việc máy nổ không ổn định
5. Bao lâu nên thay thế bugi ô tô một lần?
Hầu hết các chủ xe chỉ thay thế hay bảo dưỡng bugi khi gặp các dấu hiệu hư hỏng. Điều này có thể làm cho ô tô gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn nữa, dẫn đến hư hỏng nặng nề. Do đó, cần thay thế, bảo dưỡng bugi ô tô định kỳ thường xuyên để mang lại hiệu quả hoạt động tốt nhất cũng như kịp thời xử lý khi gặp vấn đề.
Thông thường trung bình sau mỗi 50.000 km bugi cần được thay thế. Và sau mỗi 20.000 km cần vệ sinh, bảo dưỡng bugi định kỳ. Để nâng cao tuổi thọ của bugi bạn cũng có thể áp dụng kết hợp với việc vệ sinh, thay thế lọc gió động cơ thường xuyên. Khi thay thế bugi ô tô tại nhà bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề như:
-
Nên lựa chọn loại bugi thay thế đúng với thông số, chủng loại ban đầu của bugi đi theo xe. Hoặc nếu không có có thể lựa chọn bugi tương đương để thay thế.
-
Thời điểm thay bugi ô tô nên lựa chọn lúc động cơ đã nguội. Vì thời điểm động cơ nóng sẽ rất dễ làm đứt dây cao áp trong lúc rút dây ra khỏi đầu bugi.
-
Nên sử dụng các loại tuýp 16, 17 hay 21 có sẵn trong bộ dụng cụ đi kèm theo xe để tháo bugi.
-
Khi siết ren trên nắp máy cần dùng lực đủ lớn nhằm tránh làm hỏng. Nếu dùng lực quá lớn sẽ làm ren bị mòn, dùng lực quá nhỏ không đủ cố định. Có thể tham khảo cách siết ren thông qua hướng dẫn sử dụng đi kèm theo ô tô hay bugi.
Nên vệ sinh bảo dưỡng bugi sau mỗi 20.00km và thay mới sau mỗi 50.000km
Với những thông tin trên về bugi ô tô hi vọng bạn đọc có thể hiểu hơn về bộ phận quan trọng này trên động cơ. Qua đó có thể áp dụng những thông tín đó trên chiếc xe ô tô của mình. Nhờ vậy bạn có thể nhận biết được các dấu hiệu bugi hư hỏng, thời điểm thích hợp cần thay thế bugi ô tô.