Xác Định Các Mức Phạt Nồng Độ Cồn Ô Tô Năm 2023
Vi phạm nồng độ cồn là một trong những vi phạm nhiều người hay mắc khi tham gia giao thông. Lái xe sau khi uống rượu, sử dụng các chất kích thích có thể dẫn nhiều nguy hiểm, do vậy, cần phải áp dụng các mức phạt nồng độ cồn nhằm răn đe, cảnh báo người lái xe.
Theo quy định, mức phạt nồng độ cồn sẽ tùy vào nồng độ cồn đo được trong hơi thở và phương tiện của người tham gia giao thông. Nồng độ cồn càng cao thì mức phạt càng cao. Trong khi đó, ô tô sẽ bị phạt nhiều hơn xe máy và xe đạp. Các mức phạt nồng độ cồn 2023 hiện nay là vấn đề mà nhiều chủ xe thắc mắc. Bài viết dưới đây, KATA sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các mức phạt nồng độ cồn mới nhất hiện nay để tài xế nắm rõ.
Thực trạng vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam
Thời gian qua, liên tục nhiều vụ lái xe sau khi uống rượu, bia gây tai nạn nghiêm trọng xảy ra, khiến nhiều người hoang mang. Điển hình như trong 2 tháng đầu năm 2023, Đội CSGT TP Hà Nội đã kiểm tra và xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tổng số tiền phạt hành chính lên đến hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, có đến 1.542 trường hợp tài xế có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở - mức vi phạm cao nhất được quy định theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chiếm hơn 15% tổng số vi phạm.
Lái xe khi trong người có nồng độ cồn khiến tài xế không tỉnh táo, làm chủ được tay lái, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do vậy, việc áp dụng xử phạt vi phạm nồng độ cồn là rất cần thiết, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn xảy ra do uống rượu, bia, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Cách xác định nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Nồng độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm trong bia, rượu, được tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn sẽ được tính bằng số ml ethanol nguyên chất có trong 100ml dung dịch ở nhiệt độ 20 độ C.
Hiện nay, có 2 cách xác định nồng độ cồn, đó là xác định nồng độ cồn trong máu và xác định nồng độ cồn trong khí thở. Hiện nay, phương pháp đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đó là đo nồng độ cồn trong khí thở để xem rằng nồng độ cồn có chạm ngưỡng tối thiểu quy định hay không.
Để xác định nồng độ cồn trong khí thở, CSGT sẽ sử dụng thiết bị máy đo nồng độ cồn. Tài xế sẽ thổi vào đầu ống thở 1 hơi dài, sau đó chờ khoảng vài giây để máy phân tích dữ liệu. Đây là phương pháp đo nồng độ cồn đơn giản, nhanh chóng và chính xác, ai cũng có thể sử dụng được.
Các mức phạt nồng độ cồn 2023
Như đã nói ở trên, các mức phạt nồng độ cồn sẽ tùy thuộc vào nồng độ cồn đo được trong hơi thở và phương tiện. Dưới đây sẽ là các mức phạt nồng độ cồn 2023 chi tiết để tài xế theo dõi.
Các mức phạt nồng độ cồn với xe máy
Theo Điểm c Khoản 6, Điều 6, nồng độ cồn với xe máy chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng (theo Điểm đ Khoản 10 Điều 6).
Nồng độ cồn từ 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/l khí thở sẽ bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6), bị tước giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).
Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6–8 triệu đồng (Điểm e Khoản 8 Điều 6), bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).
Các mức phạt nồng độ cồn với ô tô
Mức phạt nồng độ cồn ô tô mới nhất được quy định như sau:
- Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 5), bị tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).
- Nồng độ cồn vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/l khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (Điểm c Khoản 8 Điều 5) bị tước giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).
- Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng (Điểm a Khoản 10 Điều 5) hoặc bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).
Các mức phạt nồng độ cồn với xe đạp
Đối với xe đạp, mức phạt sẽ là phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng (Điểm q Khoản 1 Điều 8) nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở.
Mức phạt tiền tăng lên từ 300.000 - 400.000 đồng (Điểm e Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) nếu nồng độ cồn vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/l khí thở.
Mức phạt nồng độ cồn cao nhất đối với xe máy là 400.000 - 600.000 đồng (Điểm c Khoản 4 Điều 8).
Các mức phạt nồng độ cồn với máy kéo, xe máy chuyên dùng
- Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 7), ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe (nếu điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về giao thông đường bộ (nếu điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 10 - 12 tháng (Điểm d Khoản 10 Điều 7).
- Nồng độ cồn vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/l khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng (Điểm b Khoản 7 Điều 7), ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe (nếu điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về giao thông đường bộ (nếu điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 16 - 18 tháng (Điểm d Khoản 10 Điều 7).
- Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (Điểm a Khoản 9 Điều 7), ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe (nếu điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông đường bộ (nếu điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 - 24 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 7).
Ngoài các mức phạt trên, tài xế cũng có thể bị giữ xe đến 7 ngày, trước khi nhận được quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên.
Từ bài viết trên, có thể thấy các mức phạt nồng độ cồn sẽ dao động từ 80.000 - 600.000 đồng (đối với xe máy); từ 2 - 8 triệu đồng (đối với xe máy); từ 6 - 40 triệu đồng (đối với ô tô) và từ 3 - 18 triệu đồng (đối với các loại máy kéo, xe máy chuyên dùng). Ngoài ra, tài xế cũng sẽ bị phạt bổ sung, tước giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng tùy theo từng vi phạm. Do vậy, khi tham gia giao thông, người lái xe cần tuyệt đối tuân thủ những quy định về an toàn giao thông, không được phép lái xe sau khi uống bia, rượu và sử dụng các chất kích thích nhằm bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác.
Bài tin tức chỉ mang tính chất tham khảo. KATAVINA KHÔNG KINH DOANH sản phẩm/dịch vụ trên.