Cần Biết Gì Về Bugi Ô Tô?
Nhiều người lái xe ô tô nhưng chưa chắc đã biết nhiều về bugi ô tô, một trong những chi tiết nhỏ nhưng lại cực kỳ quan trọng của hệ thống đánh lửa trên xe. Nhiệm vụ chính của nó là hoạt động với tần số cao, giúp đánh lửa bên trong buồng đốt, giúp chu trình đốt cháy nhiên liệu được diễn ra suôn sẻ. Kiểm tra bugi thường xuyên giúp chủ xe nhận biết được tình trạng động cơ của xe để kịp thời điều chỉnh để đạt được hiệu quả làm việc tốt nhất. Một khi bộ phận này bị hư hỏng thì sẽ ảnh hưởng khá lớn tới động cơ của xe, do đó bảo dưỡng, vệ sinh bugi là việc mà cánh lái xe nên làm. Bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu rõ và chi tiết hơn về đặc điểm, tính năng cũng như cách vệ sinh bugi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về những chiếc bugi trên xe ô tô nhé!!!
I. Bugi ô tô có công dụng gì?
Bugi trên xe ô tô là bộ phận quan trọng mang nhiệm vụ phát sinh tia lửa điện nơi khoang đánh lửa. Nó có chức năng tạo tia lửa điện giữa 2 điện cực (cực trung tâm và bên nối mát) với mục đích đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu từ bộ chế hòa khí đã được nạp vào bên trong buồng đốt. Bugi ô tô có thể hoạt động trong điều kiện áp suất nén lên tới 50 kg/cm2 và môi trường nhiệt độ cực kỳ cao tầm 2.500°C. Do đó đòi hỏi những chiếc bugi cần có độ bền rất cao, đạt được khả năng chịu áp suất và nhiệt độ cao trong thời gian dài. Nếu đáp ứng yêu cầu này, thì bugi mới có thể cho tia lửa mạnh, giúp khối động cơ duy trì hoạt động ổn định. Những thành phần cấu thành nên chiếc bugi bao gồm:
- Lớp vỏ cách điện
- Phần điện cực trung tâm.
- Mã số định danh của bugi
- Vùng nhiệt độ của bugi
Theo đó, có hai loại bugi chính được bày bán trên thị trường, đó là bugi nóng và bugi nguội, cái tên này được đặt theo khả năng tản nhiệt của bugi. Tùy theo loại động cơ mà khách hàng phải chọn loại bugi ô tô thích hợp để xe hoạt động với năng suất cao.
- Bugi loại nóng thường được dùng cho những loại động cơ có tỉ số nén thấp, tốc độ di chuyển không cao, đi được quãng ngắn với tốc độ thấp và có trọng tải nhẹ.
- Bugi loại nguội thường được dùng nhiều cho khối động cơ có tỉ số nén cao, thường xuyên phải chạy ở tốc độ cao, di chuyển với quãng đường dài và có trọng tải lớn.
II. Chăm sóc bugi ô tô đúng cách?
Theo các chuyên gia, một chiếc bugi trung bình có thể phát ra 27,5 - 110 triệu lần tia lửa trong suốt quá trình hoạt động. Mỗi lần như vậy, bugi ô tô sẽ mất đi một vài phần tử khỏi những điện cực của bugi. Nếu để tự nhiên, dần dà, khoảng cách giữa các điện cực bugi cách xa nhau hơn và hỗn hợp giữa nhiên liệu và không khí không còn cháy hiệu quả như trước nữa, có thể gây hỏng hoàn toàn. Do vậy, chăm sóc bugi cẩn thận là việc mà chủ xe nên làm thường xuyên.
1. Cách kiểm tra bugi
Thông thường theo những mốc định kỳ, ví dụ sau chạy khoảng 2000km thì chủ xe phải nên kiểm tra bugi. Chủ xe nên tháo bugi ra, sau đó dùng khăn lau sạch phần chân bugi. Làm sạch bugi xong, sau đó ngâm đầu chấu vào dung dịch xăng. Tài xế cũng cần kiểm tra khe hở giữa các chấu và điện cực dương. Nếu khe hở quá rộng sẽ gây khó khăn trong việc bugi tạo tia lửa. Ở trường hợp ngược lại, nếu khe hở quá hẹp thì tia lửa lại không đủ lớn, sẽ gây lãng phí nhiên liệu và tăng độ trì trệ khi đi xe. Bên cạnh đó, cũng có một vài dấu hiệu khác để chủ xe đoán tình trạng bugi, ví dụ như: màu sắc, tình trạng của sứ cách điện,…
2. Vệ sinh bugi ô tô
Tuy việc vệ sinh bugi ô tô không hề khó, tuy nhiên cánh tài xế cũng nên nắm vững một vài kiến thức tổng quan để chăm sóc bộ phận này kỹ càng hơn, để khi bắt tay vào công việc không bị bỡ ngỡ. Công việc vệ sinh bugi này chủ xe hoàn toàn có thể tự làm được. Nhưng nếu không có nhiều thời gian rảnh hoặc chưa thực sự am hiểu tường tận về cách chăm sóc bugi thì chủ xe nên mang xe tới các gara ô tô chuyên nghiệp để được tư vấn và xử lý.
Chủ xe có thể dựa vào màu sắc ở trên bugi để bắt bệnh đang gặp phải một cách dễ dàng. Những chiếc bugi mới sẽ có đầu đánh lửa màu đỏ gạch hoặc màu nâu nhạt, đây cũng là màu sắc nguyên bản của nó. Nếu như bugi trên xe vẫn đang có màu này thì chứng tỏ nó vẫn còn hoạt động rất tốt, chưa mắc phải bất kỳ vấn đề gì. Nếu đầu bugi có màu trắng hoặc đen thì báo hiệu rằng tỉ lệ hòa chế giữa không khí và xăng đang gặp vài vấn đề. Đối với màu trắng thì tỷ lệ không khí đang cao hơn xăng. Và ngược lại, nếu xuất hiện màu đen tỉ lệ xăng đang lớn hơn so với thể tích không khí.
Những bước vệ sinh bugi ô tô đúng chuẩn yêu cầu kỹ thuật:
Bước 1 : Tháo bỏ bugi
Bugi là bộ phận nằm trong động cơ ô tô vì thế khi xe vừa mới chạy xong, bugi sẽ rất nóng. Do đó, chủ xe phải chờ cho tới khi máy nguội lạnh hoàn toàn, rồi mới bắt đầu tiến hành công việc vệ sinh. Dùng vòi xịt và khăn lau xịt sạch bụi bẩn bám dính xung quanh bề mặt của bugi, làm càng sạch càng tốt. Vì khi bugi được tháo rời ra sẽ tạo thành khoảng trống, bụi bẩn bên ngoài sẽ theo đó lọt vào lỗ trống đi vào trong xéc-măng. Chủ xe tiến hành sử dụng cờ lê chuyên dụng với size ren phù hợp và xoay ngược chiều kim đồng hồ để tháo bugi ra khỏi phần động cơ.
Bước 2 : Làm sạch Bugi
Sau khi đã lấy ra được bugi, chủ xe cần vệ sinh sạch sẽ nó bằng xăng hoặc những dung dịch tẩy rửa chuyên dụng khác. Chủ xe phải tiến hành công việc này hết sức cẩn thận và tránh làm va chạm tới bề mặt vỏ cách điện, cũng như dẫn điện của nó.
Bước 3 : Lắp lại vào động cơ
Sau khi đã làm sạch, lau khô và kiểm tra chiếc bugi kỹ càng, chủ xe tiến hành lắp ráp, hoàn trả nó vào vị trí cũ trong động cơ xe. Gắn chắc chắn để bugi kết nối với toàn bộ hệ thống đánh lửa giống như lúc đầu. Sau đó, chủ xe nổ máy đề ga, để kiểm tra tình trạng hoạt động của bugi sau khi lắp ráp. Nếu động cơ nổ được ngay thì chứng tỏ bugi đã hoạt động tốt và ngược lại, chủ xe cần xem xét lại toàn bộ quy trình lắp đặt bugi vừa thực hiện.
3. Thay bugi ô tô hết bao nhiêu tiền?
Hiện nay, nhiều người còn quan niệm rằng thay bugi ô tô hết bao nhiêu tiền không quan trọng, càng mắc càng xịn thì càng tốt (xét chung về mặt giá thành và vật liệu chế tạo). Đúng là điều này sẽ giúp máy chạy khỏe hơn, nhưng lại chưa đủ. Những chiếc bugi mới sẽ có khả năng đánh lửa mạnh hơn, nên sẽ đốt cháy xăng tốt hơn, giúp cho khối động cơ sản sinh ra công suất lớn hơn. Tuy nhiên, không phải cứ tốt nhất là phù hợp. Khi sản xuất ra một chiếc xe, những nhà sản xuất cũng đã tính đến việc những bộ phận máy móc sẽ phát huy công suất tối ưu nhất khi kết hợp thống nhất với nhau như thế nào. Do đó, mỗi đời xe đều có những thông số kỹ thuật bugi phù hợp riêng khác nhau.
Giá thành của bugi ô tô sẽ tùy thuộc vào loại vật liệu làm điện cực và thương hiệu sản xuất có uy tín hay không. Về loại vật liệu cấu thành điện cực, giá bugi làm bằng Niken thấp nhất, sau đó đến bugi bằng bạch kim và cuối cùng là bugi Iridium. Trong đó, bugi Iridium là loại được ưa chuộng nhất hiện nay. Bugi Iridium hiện đang được bán với giá dao động tầm 800.000 – 1.200.000 VNĐ/bộ gồm 4 bugi.
Như vậy, tổng kết lại, bugi ô tô là một bộ phận không thể thiếu để khởi động xe, do đó những người lái xe cần hiểu và nắm rõ chức năng, cấu tạo cũng như cách vệ sinh bugi sao cho tốt nhất. Kiểm tra và chăm sóc bugi theo đúng quy trình cũng là việc mà các chủ xe nên thường xuyên làm. Hơn nữa, chủ xe cũng cần biết rõ bugi của xe mình như thế nào để có thể chọn mua thay thế phù hợp nhất, để đảm bảo khả năng vận hành và tối ưu cho chiếc xe.
Bài tin tức chỉ mang tính chất tham khảo. KATAVINA KHÔNG KINH DOANH sản phẩm/dịch vụ trên.